EN | VN
Kiến Trúc Sư, nghề hay nghiệp - Tản mạn nghề nghiệp

Kiến Trúc Sư, nghề hay nghiệp - Tản mạn nghề nghiệp


Có sai không khi nói Kiến Trúc Sư (KTS)  là nghề rất cao sang và trân trọng. Sẽ không sai khi biết rằng để có được danh hiệu đó, họ đã phải đánh đổi biết bao nhiêu, từ khi còn ngồi trên giảng đường đến khi hành nghề. Bên cạnh cái Nghề mang lại cho họ công việc và cuộc sống, chữ Nghiệp luôn gắn bó trong những thăng trầm, thử thách. Kiến trúc sư được mệnh danh là những người tạo ra bộ mặt cảnh quan đô thị. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, họ là người có nhiệm vụ kế thừa, phát triển và thiết kế nên bản sắc văn hóa của công trình, đô thị và quốc gia. Nói thế để thấy rằng người kiến trúc sư có vai trò rất lớn lao và quan trọng.

Kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: Nghệ thuật và Kỹ thuật. Một kiến trúc sư thành công là người biết dung hòa hai mảng có vẻ mâu thuẫn đó trong công việc. Vừa sáng tạo, lãng mạn lại vừa phải nắm vững và cập nhật công nghệ, gò mình vào các tính toán khô cứng. Nhưng chính hai mặt tưởng như mâu thuẫn ấy lại tương hỗ nhau, giúp người KTS sáng tạo ra những sản phẩm kiến trúc.

Trong một thiết kế công trình, có 4 tiêu chí được đặt theo thứ tự: Thích dụng, bền vững, thẩm mỹ và tinh tế.

Tính Thích dụng của công trình được đặt lên hàng đầu bởi nó quyết định công năng của công trình, nhằm tạo ra tiện ích cao nhất cho người sử dụng. Thẩm mỹ chỉ đứng ở hàng thứ 3, nhưng lại rất quan trọng. Người ta thường nhìn vào “mặt tiền” trước để đánh giá “tài năng” của KTS, đây cũng là điểm (đôi khi) khiến cho KTS phải hy sinh công năng của công trình để phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng.

Có thể ví von công trình giống như một cơ thể sống: công năng tốt đảm bảo cho các cơ quan nội tạng hoạt động ổn định, trao đổi chất thuận lợi. Sự bền vững tượng trưng cho sức khỏe, còn tính thẩm mỹ tượng trưng cho áo quần, sắc đẹp và các make-up bên ngoài.

Tuy nhiên, sai lầm của nhiều KTS là quá quan tâm đến vẻ đẹp công trình mà bỏ rơi sự bền vững và công năng. Sai lầm này rất dễ phát hiện ra khi công trình đó được đưa vào sử dụng.

Thiết kế là sản phẩm trí tuệ hay hàng sale?

Chỉ cần lướt qua các trang web về xây dựng và thiết kế, hàng trăm đơn giá thiết kế được chào mời hấp dẫn. Từ siêu rẻ, siêu giảm giá đến miễn phí. Thời của công nghệ thông tin, khách hàng vẫn chạy theo sự hào nhoáng của những lời mời chào đầy hấp dẫn. Họ đang dần quên đi vai trò của người KTS trong thiết kế.  Còn người KTS thời nay như người đi câu cá, không biết nên chọn mồi con cá thích hay mồi mình thích? Nhiều người chỉ xem KTS là dân “cò”, lợi dụng quy định để làm tiền. Vai trò tư vấn, thiết kế của KTS chưa được coi trọng đúng mức, cho nên KTS vẫn phải đi “câu cá” dài dài.

Trong công việc, KTS thường gặp phải những tình huống không biết nên khóc hay nên cười. Khách hàng làm việc với KTS từ các bản vẽ thiết kế sơ phác đến chi tiết rồi xin bản vẽ lại để bàn bạc với các thành viên trong gia đình. Sau đó họ tìm cách bác ý kiến của KTS và không ký hợp đồng, để rồi lại dùng chính thiết kế ấy để tự xây dựng… mà không phải trả khoản nào cho lao động chất xám của KTS. Thậm chí cũng có nhiều trường hợp KTS phải thiết kế vài ba chục phương án. Nhưng khách hàng vẫn nhất quyết không đồng ý kí hợp đồng vì lý do đơn giản, “không đồng ý phương án”. Thực ra họ đã có đủ sự lựa chọn nhưng khó từ chối nên muốn làm KTS nản lòng mà bỏ cuộc. Còn KTS họ như “lỡ đâm lao thì phải theo lao” nên cố gắng đến cùng vì cuộc sống và còn vì đứa con tinh thần của mình.

Để có thể gắn bó với nghề, KTS đang phải đánh đổi rất nhiều thứ, đôi khi là cả lòng tự trọng con người. Nói vây để thấy với KTS cái Nghiệp còn lớn hơn Nghề.

KTS.Nguyễn Bá Quyền