EN | VN
THIET THACH tham gia góp ý Hội Thảo Xây Dựng Luật Kiến Trúc Sư

THIET THACH tham gia góp ý Hội Thảo Xây Dựng Luật Kiến Trúc Sư


Đôi điều góp ý về bản quyền tác giả trong luật hành nghề Kiến Trúc Sư

Vấn đề bản quyền tác giả trong sáng tác kiến trúc đã tồn tại từ nhiều năm nay, rất cần thiết phải có Luật để hỗ trợ hành lang pháp lý cho việc hành nghề sáng tác, đảm bảo quyền lợi về sở hữu trí tuệ cho các Kiến Trúc Sư. Dưới góc độ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kiến trúc và vật liệu xây dựng, tôi muốn nêu ra ba vấn đề cần quan tâm, đó là:

1. Bản quyền kiến trúc là gì?

Là bản quyền tác giả, hay thương hiệu trong kiến trúc; với công trình kiến trúc, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm các chi tiết cấu thành thì được bảo hộ bản quyền (vì trong tác phẩm kiến trúc có rất nhiều chi tiết đòi hỏi yếu tố sáng tạo bao gồm cả nội, ngoại thất và các chi tiết kỹ thuật)...

Bản quyền trong kiến trúc xưa nay chủ yếu là vấn đề bản quyền thương hiệu, ở đó mỗi công ty hoặc cá nhân Kiến Trúc Sư tự đặt logo lên tác phẩm do mình tạo ra và cho đó là bản quyền của mình. Thực tế là đa phần các chi tiết cấu thành trong công trình như lan can, cầu thang, chi tiết trang trí ... đã được sao chép, cóp nhặt từ các tác phẩm kiến trúc khác, Kiến Trúc Sư chỉ sắp đặt các chi tiết để tạo nên công trình. Như vậy, các chi tiết để tạo nên tác phẩm và quyền sở hữu hợp pháp tác phẩm đó dựa trên thương hiệu tập thể hay cá nhân?

2. Thể nào là vi phạm bản quyền và mức độ chế tài đối với hành vi vi phạm?

Đối với một tác phẩm kiến trúc được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thì phải được bảo vệ và tôn trọng về toàn bộ cấu trúc, từ hình thức bên ngoài lẫn nội thất công trình. Việc sử dụng lại, thiết kế lại, thay đổi, chỉnh sửa bất kỳ chi tiết nào của tác phẩm này mà không được sự đồng ý của tác giả đều là việc làm bất hợp pháp. Tuy nhiên cũng phải xem lại vi phạm với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm và những phần chi tiết kiến trúc nào thì được coi là vi phạm.

3. Phải có một tổ chức như Hội Kiến Trúc Sư hoặc hiệp hội các công ty kiến trúc có chuyên môn nghề nghiệp đứng ra hỗ trợ Kiến Trúc Sư hoặc công ty đăng ký bản quyền cho tác phẩm thiết kế kiến trúc. Hiệp hội này có chức năng kiểm tra, phát hiện các vấn đề vi phạm và hỗ trợ Kiến Trúc Sư nhằm bảo vệ tính hợp pháp của các cá nhân, đơn vị được bảo hộ. Theo đó, cá nhân, tổ chức hành nghề kiến trúc muốn được bảo hộ sở hữu trí tuệ cần phải đăng ký thành viên vào tổ chức này.

Những tác phẩm kiến trúc muốn đăng ký bảo hộ sẽ được công bố trên website của tổ chức này ngay khi đăng ký, và có hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ tạm thời trong khoảng thời gian đủ để xét duyệt bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tổ chức này có trách nhiệm thông tin kịp thời cho các bên liên quan đối với những tranh chấp về bản quyền của các tác phẩm kiến trúc.

KTS. Trần Tuấn Long

Trích từ Tạp Chí Kiến Trúc số Tháng 04-2012