VN
Mùa mưa - Đến hẹn lại lên - Bàn chuyện chống thấm

Mùa mưa - Đến hẹn lại lên - Bàn chuyện chống thấm


Mùa mưa mang lại thời tiết mát mẻ, mùa mưa mang đến nguồn cảm hứng sáng tác cho các thi sĩ, nhưng mùa mưa còn đem lại nhiều nỗi lo âu cho chủ nhà: trần bị ố, tường thấm nước, bong tróc sơn, không khí ngập mùi ẩm mốc… Chống thấm - đến hẹn lại lên!

1. Nguyên nhân thấm:

Về lý thuyết, các loại vật liệu xây dựng thông thường đều có những khoảng cách giữa các hạt có đường kính khoảng từ 20 - 40 micromet (1micromet=1/1.000 milimet). Khi bề mặt vật liệu này tiếp xúc với nước, nước sẽ xâm nhập qua các khe hở ở bề mặt, thẩm thấu theo các mao quản vào bên trong (mao dẫn) gây ra hiện tượng thấm.

Các vị trí thường bị thấm trong nhà như: mái sân thượng, khu vệ sinh, chân tường (tầng trệt, vệ sinh), bể nước, tường ngoài nhà... với những tác nhân gây thấm chính là thấm bởi nước ngầm, thấm bởi nước mưa, thấm bởi nước sử dụng. Có thể kể ra một số nguyên nhân gây thấm như: thi công không đúng kỹ thuật, sử dụng vật liệu không phù hợp, vị trí đất ẩm thấp, công trình đã cũ, bị nứt, bị đọng nước lâu ngày... Nguyên nhân thấm có thể có nhiều, chủ quan cũng có, khách quan cung có. Giải pháp khắc phục cũng không phải là ít, nhưng dù sao đi nữa "phòng cháy vẫn hơn chữa cháy".

2. Chủ động phòng ngừa:

Chống thấm phải tiến hành từ đầu trong quá trình thiết kế và thi công. Trong quá trình sử dụng công trình cũng luôn phải lưu ý. Sử dụng nước cấp đúng cách, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thoát nước, để bảo vệ bề mặt kết cấu tránh bị phá hoại… là những việc luôn phải kiểm soát và thực hiện, chứ không phải chờ đến khi bị thấm mới đi tìm các loại hoá chất và phụ gia chống thấm. Thuốc dẫu tốt nhưng không đúng bệnh hoặc quá muộn đều không có nhiều tác dụng. Đó là điều mà thực tế đã minh chứng.

Đảm bảo công tác chống thấm ngay từ khâu thiết kế: giải pháp kiến trúc, sử dụng vật liệu hợp lý là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Trong khoa học kiến trúc có nhiều giải pháp như: tổ chức mặt bằng, phân khu chức năng liên quan tới vệ sinh hợp lý, tránh hệ thống cấp thoát nước đi vòng, đi xa dễ gây hiện tượng thấm và khó khăn khi sửa chữa. Thiết kế mái phù hợp kiến trúc và khí hậu địa phương, đảm bảo hướng phân thuỷ và độ dốc thoát nước mưa, tránh tạo ra những khu vực dễ bị đọng nước. Với công trình mái bằng, phải đảm bảo độ dốc tối thiểu là 3%. Đánh dốc đủ (2 - 3%) và đúng hướng cho các sàn vệ sinh, các sàn chịu nước như sân thượng, ban công, lô gia, thiết kế vị trí ga thu hợp lý... Quan tâm, đầu tư cho công tác thiết kế kiến trúc để giảm bớt những nguyên nhân gây thấm nói riêng, và giảm bớt lo âu khi sử dụng công trình sau này nói chung.

Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thi công, sử dụng vật liệu phù hợp.

Ngoài việc đảm bảo kết cấu, an toàn công trình thì việc thi công đúng kỹ thuật, sử dụng vật liệu phù hợp cũng là nhân tố chính để hạn chế việc thấm dột. Sử dụng đúng mác bê tông, mác vữa; dỡ cốp pha khi bê tông đủ tuổi (tránh gây võng, nứt, biến dạng kết cấu); ngâm nước xi măng theo quy phạm với sàn bê tông, những nơi sử dụng phụ gia chống thấm phải thực hiện theo quy cách và tỷ lệ của nhà sản xuất... Những công việc trên đều đòi hỏi sự am hiểu về kỹ thuật, chủ nhà nên chọn những đơn vị thi công đủ năng lực để chất lượng công trình được đảm bảo, tránh những sai sót, sửa chữa không đáng có về sau.

3. Khắc phục - Chống thấm:

Thông thường, chủ nhà có thể tự thực hiện việc chống thấm tạm thời, qua vài mùa mưa như tự tay làm với các dụng cụ có sẵn như khoan, bay, cọ, máy phun, ru lô và các sản phẩm chống thấm được bày bán trên thị trường. Một điều cần lưu ý là phần lớn nguyên nhân thấm xuất phát từ sự rò rỉ đường ống cấp thoát - đặc biệt là thấm trong công trình. Vì vậy việc xử lý tận gốc nguyên nhân chính là vấn đề chứ không phải xử lý cho các khu vực tường bị thấm. Trong trường hợp chắc chắn không phải do hở đường ống (thấm sàn vệ sinh, thấm từ bể, thấm tường…) thì tuỳ từng trường hợp mà sử dụng các phương pháp và chất chống thấm phù hợp. Trường hợp bị thấm nặng nên nhờ các đơn vị chuyên chống thấm để có biện pháp khắc phục triệt để.

Chống thấm - đúng là vấn đề nan giải. Nhưng nó cũng không quá khó nếu ta biết phối hợp đồng bộ các giải pháp và thực hiện đúng các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật. Và luôn nhớ rằng: phải luôn luôn chủ động chống thấm; các loại vật liệu chống thấm chỉ mang tính hỗ trợ chứ không phải phép màu